Túi ối nhỏ hơn tuổi thai là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Tình trạng này thường do rất nhiều nguyên nhân. Mẹ bầu nên chủ động theo dõi thai kỳ để có thể phát hiện sớm và dự phòng bệnh.
1. Ca bệnh siêu âm thấy túi ối nhỏ hơn tuổi thai
Thông tin ca bệnh: chị Nguyễn D.L
- Giới tính: Nữ
- Tuổi: 27
- Lý do tới khám: Chậm kinh, test que thử thai 2 vạch, ho khan
- Ngày khám: 05/05/2024
- Tiền sử:
- PARA: 0010 – 1 lần hút thai 8 tuần (kế hoạch hoá gia đình, không phải thai bất thường).
- Kinh nguyệt đều: 26 ngày, kỳ kinh cuối: 26/3/2024
- Kết quả siêu âm: Có 1 túi ối trong buồng tử cung – kích thước: 8.89 x 3.82 mm (túi ối dẹt), có hình ảnh túi noãn hoàng nhưng chưa có âm vang thai và tim thai. Tuổi thai tính theo ngày kỳ kinh cuối của bệnh nhân là 5 tuần 5 ngày nhưng trên siêu âm thì túi ối nhỏ hơn tuổi thai và chưa có phôi thai.
→ Đề nghị xét nghiệm beta HCG để theo dõi sự phát triển của thai, xét nghiệm cúm A,B, covid để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm cho thai nhi trong 3 tháng đầu (vì bệnh nhân đang có ho khan).
→ Kết luận bệnh: Thai 5 tuần 5 ngày – Túi ối nhỏ hơn tuổi thai/ Ho khan
2. Kế hoạch điều trị
- Tiếp tục theo dõi diễn biến của beta HCG và siêu âm lại sau mỗi 7 ngày để theo dõi quá trình phát triển của thai
- Điều trị hỗ trợ nội tiết cho thai phát triển
3. Những điều cần lưu ý
3.1. Phân tích về ca bệnh
Bệnh nhân có kinh nguyệt đều, tính theo ngày kinh thì có thai được 5 tuần 5 ngày, tuy nhiên thực tế túi ối nhỏ hơn tuổi thai. Đây có thể là một dấu hiệu bất thường. Ở tuần thai nhỏ như thế này, khi chưa rõ phôi thai và tim thai thì túi ối nhỏ hơn tuổi thai chưa đủ thông tin để khẳng định thai có tốt không.
Tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu cần phải theo dõi sát, đặc biệt phải phối hợp giữa xét nghiệm định lượng betaHCG và siêu âm để có kết luận chính xác.
Đối với bệnh nhân này, thường sẽ có 2 trường hợp có thể xảy ra. Nếu thai bình thường, túi ối sẽ tiếp tục phát triển tốt bình thường. Trường hợp còn lại là nếu thai có bất thường, túi ối sẽ không phát triển hoặc phát triển rất chậm, túi ối nhỏ hơn tuổi thai, khi đó được gọi là thiểu ối sớm.
3.2. Thiểu ối là gì?
Nguyên nhân túi ối nhỏ hơn tuổi thai thường được nhắc đến nhiều nhất đó là tình trạng thiểu ối. Tình trạng lượng nước ối quá ít được gọi là thiểu ối.
Hiện nay, có nhiều phương pháp có thể đánh giá tình trạng nước ối, tuy nhiên cách thông dụng nhất là sử dụng siêu âm từ tuần thai 18-20 trở đi để đánh giá khoang ối sâu nhất và đo chỉ số ối. Nếu chỉ số ối nhỏ hơn 5cm hoặc chiều sâu túi ối dưới 2cm sẽ được nghi ngờ là thiểu ối.
Nếu chỉ số ối nhỏ hơn 3cm sẽ được nghi ngờ là cạn ối. Với các trường hợp thai còn nhỏ trong quý 1 và đầu quý 2 thai kỳ, thiểu ối được xác định khi chiều dài của túi ối trừ đi chiều dài phôi thai dưới 5mm.
Trong số phụ nữ mang thai, có khoảng 8% chị em gặp phải trình trạng nước ối ít và khoảng 4% được chẩn đoán là thiểu ối. Tình trạng túi ối nhỏ hơn tuổi thai có thể gặp ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Trong đó, 3 tháng cuối của thai kỳ là thời điểm hay gặp nhất. Vì thế, việc kiểm tra định kỳ là cần thiết để đảm bảo mọi thứ đang diễn ra bình thường.
3.3. Thiểu ối nguy hiểm như nào trong thai kỳ
Tình trạng túi ối nhỏ hơn tuổi thai cũng như thiểu ối có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi. Tùy vào tuổi thai và sức khỏe của mẹ bầu mà sẽ có những tác động khác nhau. Tiên lượng của thai sẽ càng tốt nếu tình trạng thiểu ối xuất hiện càng muộn. Với nửa đầu thai kỳ, thiểu ối thường do các bất thường nhiễm sắc thể của thai hoặc dị tật đặc biệt là cơ quan tiết niệu, điều này làm tăng tỷ lệ sẩy thai, thai chết lưu và tỷ lệ phải phá thai do dị tật.
Ngoài ra, thiểu ối trong giai đoạn nửa cuối của thai kỳ cũng gây ra những ảnh hưởng không hề nhỏ:
- Thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung.
- Thiểu ối làm cho hệ cơ xương và phối của thai nhi không có không gian để phát triển.
- Trong trường hợp thiểu ối nặng thường gây ra tình trạng đẻ non.
- Làm tăng cao các nguy cơ biến chứng trong quá trình chuyển dạ: hội chứng hít phân su, chèn ép dây rốn, tăng nguy cơ phải mổ lấy thai,…
Dù trong thời gian nào thì thiểu ối đều gây ra những tác động không tốt đến tình trạng của thai nhi và mẹ bầu. Vì thế, việc thăm khám để phát hiện sớm và có biện pháp điều trị, dự phòng là vô cùng cần thiết và cực kỳ quan trọng.
3.4. Nguyên nhân của thiểu ối
Nguyên nhân của thiểu ối và túi ối nhỏ hơn tuổi thai có thể xuất phát từ phía mẹ, thai nhi và phần phụ của thai. Tuy nhiên, có đến 30% các trường hợp vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân gây bệnh. Những nguyên nhân từ phía mẹ có thể kể đến như là:
- Mẹ bầu mắc một số bệnh lý như: tăng huyết áp, bệnh lý gan thận, tiền sản giật, bệnh tự miễn… Đây là nguyên nhân khiến cho thai kém phát triển cũng như giảm chức năng tái tạo của nước ối.
- Trong quá trình mang thai, mẹ phải dùng một số thuốc ảnh hưởng đến thai kỳ: ức chế tổng hợp prostaglandin, ức chế men chuyển, hoá trị,…
Không chỉ là nguyên nhân túi ối nhỏ hơn tuổi thai, những tình trạng trên có thể ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển của thai và sức khỏe của mẹ. Vì vậy, trước khi mang thai, mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng và có kế hoạch cụ thể cho một thai kỳ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nguyên nhân thiểu ối do thai nhi cũng thường được nhắc đến như:
- Thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể
- Mắc một số dị tật bẩm sinh: bất thường cấu trúc, thường do cơ quan bài tiết nước tiểu như thận, niệu quản, bàng quang.
- Thai nhi chậm phát triển trong tử cung.
- Thai nhi quá ngày dự kiến sinh.
- Tình trạng nhiễm trùng thai do toxoplasma, CMV, rubella,…
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân có thể do phần phụ của thai:
- Vỡ ối sớm, vỡ ối non.
- Nhồi máu bánh rau.
- Hội chứng truyền máu thai nhi trong đẻ song sinh.
Các nguyên nhân gây ra thiểu ối thường rất đa dạng. Ngay cả khi đủ công cụ để chẩn đoán thì cũng có đến 30% là vô căn. Vì thế, mẹ bầu cần chú ý chăm sóc sức khoẻ và theo dõi thai kỳ thật kỹ lưỡng để sớm phát hiện tình trạng bất thường và xử trí kịp thời.
3.5. Lời dặn của bác sĩ
Cách khắc phục túi ối nhỏ hơn tuổi thai tốt nhất là mẹ bầu phải thường xuyên thăm khám và theo dõi sức khỏe bản thân và thai nhi. Những thời điểm ít nhất cần thăm khám là sau khi có thai, trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Thăm khám sẽ giúp bác sĩ có thể sớm đánh giá được tình trạng bất thường của mẹ và bé. Đặc biệt, khi gặp tình trạng gì bất thường, mẹ bầu cần đi khám ngay lập tức.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh trong quá trình mang thai. Bổ sung những thực phẩm tốt cho sức khỏe và bổ sung đủ nước. Cùng với đó, bạn cũng nên có lịch làm việc phù hợp để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Thêm với đó, mẹ bầu cần có chế độ sinh hoạt thích hợp để thai nhi luôn phát triển khoẻ mạnh, tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra.
Tóm lại, tình trạng túi ối nhỏ hơn tuổi thai có thể ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi, thậm chí có thể gây ra thai chết lưu. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Vì thế, mẹ bầu nên chủ động theo dõi quá trình thai kỳ để có thể phát hiện và dự phòng sớm được bệnh.
Hy vọng bài viết vừa rồi giúp chị em hiểu hơn về nguyên nhân và cách khắc phục túi ối nhỏ hơn tuổi thai. Cách dự phòng bệnh tốt nhất là nên thăm khám định kỳ để kiểm tra.
Nếu chị em đang gặp vấn đề gì về thai kỳ hay sức khỏe sinh sản của bản thân, hãy đặt lịch khám ngay tại đây để được các bác sĩ tại phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản phụ khoa trực tiếp thăm khám. Nếu có thắc mắc, có thể liên hệ qua zalo 0868555168 của phòng khám để được hỗ trợ tư vấn.
[block id=”7225″]