Siêu âm thai là một phương pháp quan trọng để theo dõi sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu còn nhiều câu hỏi về phương pháp theo dõi em bé này. Cùng tìm lời giải đáp qua bài viết sau.
1. Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là một phương pháp sử dụng sóng siêu âm để quan sát sự phát triển của thai nhi bên trong tử cung. Trong quá trình siêu âm, chị em có thể nhìn thấy hình ảnh em bé của mình trên màn hình.
Để thực hiện, bác sĩ sẽ dùng đầu dò siêu âm đặt lên bụng của mẹ bầu hoặc đưa vào âm đạo để thu nhận hình ảnh thai nhi. Các chị em nào mang thai lần lần đầu cũng đừng quá lo lắng vì đây là quá trình êm ái, không gây đau cho cả mẹ và con.
2. Có những loại siêu âm thai nào?
Trong từng giai đoạn và tùy thuộc yêu cầu chẩn đoán, các bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật siêu âm thai phù hợp cho các chị em:
2.1. Siêu âm qua ngả âm đạo
Đây là phương pháp được khuyến cáo sử dụng trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Để tiến hành, một đầu dò kích thước nhỏ sẽ được đưa vào trong âm đạo, từ đó giúp đánh giá chi tiết tình trạng hiện tại của em bé và một số cơ quan ở vùng chậu. Qua phương pháp trên, bác sĩ có thể đánh giá sơ bộ tình trạng thai sớm trong tử cung, dự đoán ngày sinh hoặc các bất thường ở mẹ và bé (nếu có).
2.2. Siêu âm qua thành bụng
Đây là phương pháp siêu âm thai phổ biến. Khi sử dụng, bác sĩ sẽ dùng đầu dò di chuyển xung quanh bụng mẹ bầu. Tuy nhiên, với những trường hợp thành bụng dày hoặc phôi thai còn nhỏ, việc quan sát có thể khó khăn hơn.
2.3. Siêu âm 3D, 4D
Phương pháp siêu âm 3D, 4D là một phương pháp mới, sử dụng công nghệ hiện đại, phần mềm đặc biệt. Việc có được phương pháp hiện đại giúp có được hình ảnh sắc nét về khuôn mặt, chuyển động của thai nhi. Quy trình cũng giống như quá trình siêu âm tiêu chuẩn, ngoài ra cũng có thể dùng để dò xét hình thái và dị tật của thai nhi.
2.4. Siêu âm Doppler trong sản khoa
Phương pháp này có nhiều vai trò hỗ trợ bác sĩ trong quá trình theo dõi thai kỳ của mẹ bầu. Đây là một phương thức đánh giá tuần hoàn tử cung – nhau thai, sức khỏe thai nhi và phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé như: tiền sản giật,….
2.5. Siêu âm tim thai chi tiết
Phương pháp này được tiến hành khi các bác sĩ có nghi ngờ rằng thai nhi có khả năng mắc phải các dị tật tim bẩm sinh.
3. Quy trình siêu âm thai như thế nào?
Với các mẹ bầu lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ, quá trình siêu âm thai diễn ra trong phòng ánh sáng mờ nhằm có hình ảnh tốt nhất.
Mẹ bầu sẽ nằm trên giường siêu âm, bộc lộ vùng bụng hoặc vùng kín tùy phương pháp được áp dụng như đã giới thiệu ở trên. Lúc này, gel sẽ được các bác sĩ bôi lên vùng cần siêu âm để đảm bảo dẫn việc truyền sóng âm hiệu quả và quá trình siêu âm diễn ra thuận lợi. Sau đó, hình ảnh em bé sẽ bắt đầu hiển thị trên màn hình với hai màu đen trắng.
4. Mẹ bầu cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm?
Sau đây là một vài lưu ý các chị em cần nắm rõ trước khi thực hiện siêu âm:
- Nên đi tiểu tiện trước khi thực hiện siêu âm trừ trường hợp siêu âm qua đường bụng giai đoạn đầu.
- Các mẹ bầu không sử dụng kem dưỡng thể hoặc dầu dưỡng trước thời điểm siêu âm 48 giờ.
- Quá trình siêu âm thai là phương pháp an toàn, êm ái và không gây đau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bác sĩ có thể ấn đầu dò hơi mạnh có thể gây khó chịu nhẹ trên vùng được siêu âm.
5. Siêu âm thai có an toàn không?
Cho đến nay, siêu âm thai đã được áp dụng rộng rãi trong sản khoa và được xem là an toàn cho cả mẹ và bé nếu được thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn. Chưa có bằng chứng nào cho thấy siêu âm gây hại đến thai nhi, kể cả khi sử dụng đầu dò âm đạo hay có hiện tượng ra máu âm đạo.
6. Ba thời điểm siêu âm thai quan trọng trong thai kỳ
Đối với các chị em thắc mắc khi nào thích hợp để siêu âm, sau đây là 3 thời điểm thích hợp được các bác sĩ khuyến nghị là phù hợp để siêu âm thai. Tuy nhiên, nếu như có các bất thường, bác sĩ cũng có thể chỉ định một thời điểm bất kỳ phù hợp với thai phụ.
- Từ 12 tuần đến 13 tuần 6 ngày;
- Từ 19 tuần đến 22 tuần;
- Từ 30 tuần đến 32 tuần.
7. Thời gian siêu âm thai kéo dài bao lâu?
Một buổi âm thai tầm soát dị tật sẽ mất khoảng 15-30 phút. Tuy nhiên, nếu em bé đang ở trong tư thế khó quan sát, cử động nhiều hoặc thành bụng mẹ dày, những điều này sẽ vô tình cản trở việc truyền sóng siêu âm, gây ảnh hưởng đến độ nhạy và độ chính xác. Chính vì thế, trong một vài trường hợp, thời gian siêu âm có thể kéo dài hơn hoặc hẹn tái khám.
8. Tại sao cần siêu âm thai giai đoạn sớm?
Việc siêu âm thai trong giai đoạn đầu sẽ giúp các chị em, đặc biệt với ai mang thai lần đầu những lợi ích như sau:
- Quan sát thai nhi: Việc siêu âm thai sớm sẽ giúp bác sĩ và mẹ bầu xác định được vị trí của thai nằm trong hay ngoài tử cung, quan sát tim thai, đánh giá những điều bất thường ở tử cung hay phát hiện nguyên nhân xuất huyết âm đạo.
- Theo dõi thai nhi: Phương pháp siêu âm thai khi còn sớm sẽ giúp bác sĩ xác định số lượng thai, ngoài ra còn dự kiến ngày sinh của em bé.
9. Siêu âm thai tuần thứ 12 đến 13 bao gồm những gì?
Trong phương pháp siêu âm thai, việc đánh giá chính xác nhất tuổi thai và ngày sinh được phân tích dựa trên chiều dài đầu mông thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp việc sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể bằng cách đo khoảng mờ sau gáy và kết hợp xét nghiệm máu Double test vì phương pháp sàng lọc này có thể phát hiện khoảng 90% trường hợp hội chứng Down trong giai đoạn thai nhi.
Trong một số trường hợp, việc quan sát sớm cấu trúc giải phẫu như tay, chân, thành bụng, tim, hộp sọ, bánh rau có thể giúp bác sĩ phát hiện các bất thường lớn của em bé. Có thể kể đến như phương pháp đánh giá khoảng mở trong não (IT) có hỗ trợ trong việc sàng lọc sớm dị tật ống thần kinh hay phương pháp sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.
10. Những điều cần lưu ý khi siêu âm hình thái thai nhi từ tuần 19 đến 22
Đây là khoảng thời gian lý tưởng để bác sĩ đánh giá chi tiết hình thái thai nhi và phát hiện bất thường của em bé nếu có, quá trình đánh giá bao gồm:
- Quan sát kỹ các cấu trúc hộp sọ, não bộ, khuôn mặt, các hệ cơ quan như hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn,…
- Kiểm tra bánh rau, dây rốn và nước ối của em bé.
- Thực hiện đo lường chiều dài cổ tử cung mẹ để đánh giá nguy cơ sinh non.
- Các bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển của thai nhi qua các chỉ số như đường kính lưỡng đỉnh, vòng đầu, chiều dài xương đùi, chu vi bụng.
11. Quá trình siêu âm thai từ tuần 30 đến 32
Việc đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi có thể dựa trên các chỉ số sinh học. Trong một số trường hợp, cân nặng của em bé có thể được so sánh với biểu đồ bách phân vị tiêu chuẩn.
Đối với việc khảo sát hệ tuần hoàn thai nhi, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp siêu âm Doppler nhằm hỗ trợ việc phát hiện các nguy cơ như thiếu oxy, suy giảm chức năng nhau thai
Trong giai đoạn này, bác sĩ có thể kiểm tra lại các cơ quan của thai nhi như đã thực hiện ở tuần 22. Ngoài ra, các bác sĩ có thể phát hiện thêm một số tổn thương xuất hiện muộn và có nguy cơ gây nguy hiểm với sự phát triển thai nhi như tổn thương vỏ não, tắc ruột, nhiễm trùng Zika, CMV, Rubella,…
12. Siêu âm nhiều có tốt không?
Phương pháp siêu âm thai được xem là phương pháp chẩn đoán an toàn, không gây đau hay xâm lấn. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng không nên lạm dụng siêu âm quá nhiều và tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
13. Siêu âm có phát hiện được mọi bất thường ở thai nhi?
Trường hợp này sẽ tùy thuộc vào từng bệnh lý có thể gặp phải của thai nhi. Một vài bệnh lý có thể dễ phát hiện, tuy nhiên một số loại bệnh lại khó nhận biết nếu dùng siêu âm chẩn đoán. Một vài trường hợp có thể xảy ra:
- Các bất thường ở tim, tắc ruột thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
- Việc siêu âm tầm soát sẽ không sàng lọc hết tất cả dị tật có thể có ở thai nhi.
- Những rối loạn tâm lý như tự kỷ, bại não, chậm phát triển trí tuệ không thể được phát hiện qua siêu âm vì chúng không liên quan đến bất thường cấu trúc trong cơ thể thai nhi.
14. Phải làm gì nếu kết quả siêu âm thai có vấn đề?
Việc có kết quả siêu âm thai bất thường làm nhiều mẹ bầu lo lắng. Tuy nhiên, các mẹ bầu phải xem xét mức độ nghiêm trọng vì các vấn đề sẽ khác nhau, từ các bất thường lớn đến nhỏ.
Trong trường hợp trên, chị em sẽ lập tức được liên hệ hay chuyển đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn về những bất thường của mẹ và bé. Đây là thời điểm nhạy cảm, các mẹ bầu cần sự hỗ trợ về cả y tế và tinh thần từ gia đình và đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa.
Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, đặc biệt trong 3 tháng đầu, chị em nên lưu ý những điều như sau:
- Nắm rõ dấu hiệu mang thai sớm trong 1, 2 và 3 tháng đầu, để ý các triệu chứng đặc trưng mang thai sớm như đau ngực, ra máu bào,…
- Khám thai lần đầu đúng thời điểm.
- Siêu âm thai lần đầu vào tuần thứ 12 để sàng lọc dị tật thai nhi.
- Sàng lọc các bệnh lý tuyến giáp để hạn chế rủi ro trước và trong khi sinh.
15. Lời khuyên của bác sĩ về siêu âm thai
Các bác sĩ khuyên rằng trong suốt thời gian thai kỳ, mẹ bầu được khuyến cáo nên đi siêu âm thai ít nhất 3 lần ở 3 giai đoạn:
- 12 – 13 tuần;
- 19 – 22 tuần;
- 30 – 32 tuần.
Đây là những thời điểm vàng để đánh giá sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, phương pháp này chỉ nên thực hiện theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, các chị em không nên lạm dụng quá nhiều.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần phải chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tham gia các lớp học cho sản phụ để được trang bị kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe hai mẹ con.
Trên đây là những thông tin cơ bản về siêu âm thai mà các bậc cha mẹ cần biết. Trong trường hợp có những câu hỏi thắc mắc hay phát hiện bất thường, các chị em hãy liên hệ đặt khám để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
[block id=”7225″]