Rong kinh là có thể ảnh hưởng tới tâm sinh lý và sức khỏe của phụ nữ. Vậy có những nguyên nhân bị rong kinh nào? Cùng tìm hiểu nguyên nhân bị rong kinh và cách khắc phục qua bài viết dưới đây nhé!
1. Rong kinh là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn thường có các đặc trưng như sau:
- Thời gian từ 28 đến 32 ngày giữa các chu kỳ.
- Thời gian hành kinh trung bình là từ 3 đến 5 ngày.
- Mất khoảng 50 – 80ml máu.
- Máu kinh thường đỏ sẫm, không đông và không xuất hiện máu cục.
Rong kinh xảy ra khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và mất đi lượng máu vượt quá 80ml/chu kỳ. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng này là:
- Kinh nguyệt ra nhiều, mỗi lần thay băng cần sử dụng từ 2 băng vệ sinh và cần thay băng liên tục mỗi giờ.
- Kinh nguyệt vẫn ra nhiều trong ban đêm.
- Máu kinh thường đóng thành cục lớn và phụ nữ thường bị đau bụng dưới.
Nếu rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài, phụ nữ thường có dấu hiệu mệt mỏi, thở dốc và có những triệu chứng của thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu.
2. Nguyên nhân gây rong kinh
Nguyên nhân bị rong kinh có thể chia thành hai loại: rong kinh cơ năng và nguyên nhân thực thể.
Rong kinh cơ năng
Rong kinh cơ năng thường gặp ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh, khi nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ biến đổi nhiều. Lượng estrogen tăng đột ngột hoặc giảm mạnh, làm cho chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều hơn.
Trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi bắt đầu có kinh, do nội tiết tố chưa ổn định nên các bạn gái thường có vòng kinh không đều. Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 21 – 40 ngày, lên xuống 10 ngày giữa các chu kỳ.
Với phụ nữ tiền mãn kinh, nội tiết tố cũng giảm đi nhanh chóng do sự giảm hoạt động của buồng trứng. Điều này dẫn tới quá trình rụng trứng bị ảnh hưởng gây ra rong kinh.
Rong kinh đôi khi đi kèm với cường kinh, đặc biệt khi trước đó phụ nữ có một vòng kinh dài không bình thường.
Rong kinh thực thể
Nguyên nhân bị rong kinh có thể xuất phát từ bệnh lý gây tổn thương tử cung và buồng trứng như:
- Viêm nội mạc tử cung.
- Polyp buồng tử cung.
- U xơ tử cung.
- Buồng trứng đa nang.
- Ung thư cổ tử cung.
- Ung thư nguyên bào nuôi.
- Ung thư nội mạc tử cung.
- Thuốc tránh thai khẩn cấp.
3. Biến chứng
Tình trạng rong kinh có thể gây ra những hệ lụy sau:
- Rong kinh kéo dài sẽ gây ra mất máu nhiều, dẫn đến các triệu chứng thiếu máu với các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở.
- Tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm trong bộ phận sinh dục. Vi khuẩn có thể lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, tử cung, buồng trứng, gây viêm phần phụ và thậm chí là vô sinh sau này.
- Ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hàng ngày, khiến phụ nữ luôn có cảm giác khó chịu và sợ hãi khi đến kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, rong kinh cũng là triệu chứng của một số bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung và buồng trứng đa nang. Nếu không được điều trị sớm, những căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
4. Điều cần làm khi rong kinh
Điều trị tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt hoàn toàn dựa vào nguyên nhân bị rong kinh. Tuy nhiên, chị em có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm tình trạng này:
- Nằm nghỉ khi bị ra máu quá nhiều.
- Giữ sức khỏe bằng cách ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu sắt như gan động vật, cải bó xôi,.. và thực phẩm giàu vitamin B6 để tăng khả năng tạo máu cũng như giúp tinh thần người bệnh trong giai đoạn này thoải mái hơn.
- Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu và một số gia vị cay trong kỳ kinh nguyệt.
- Ăn ngải cứu hằng ngày vì theo Đông y, ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh và lượng máu xấu trong chu kỳ kinh.
- Đi khám phụ khoa để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
5. Lời khuyên của bác sĩ
Các chị em nên liên hệ với bác sĩ Sản phụ khoa nếu tình trạng rong kinh kéo dài, làm xuất hiện biến chứng như:
- Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, móng dễ gãy.
- Ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh.
- Thể tích máu kinh lớn trong thời gian ngắn.
- Đau bụng kinh dữ dội.
- Sốt cao.
- Vùng kín có mùi bất thường, đau, ngứa,…
Chị em nên xây dựng thói quen ghi chép những đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện sớm những bất thường của quá trình này. Cụ thể là:
- Thời gian hành kinh.
- Khoảng cách giữa hai lần có kinh.
- Lượng máu mất đi: ước lượng một ngày dùng hết bao nhiêu băng vệ sinh.
- Số ngày kinh nguyệt ra nhiều.
- Tình trạng đau bụng kinh, mệt mỏi kèm theo.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn các kiến thức về nguyên nhân bị rong kinh cũng như một số biện pháp để khắc phục tình trạng này.
Nếu rong kinh kéo dài mà không biến mất sau khi thay đổi chế độ sinh hoạt, bạn có thể liên hệ Hotline hoặc đặt lịch để được bác sĩ Ngọc Lan thăm khám nhé!