Rong kinh là bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây nên. Điều trị rong kinh cần được bác sĩ cân nhắc rất kỹ. Cùng tìm hiểu ca bệnh rong kinh kèm đặt vòng tránh thai thất bại qua bài viết dưới đây nhé!
1. Ca bệnh 3 lần bị đẩy vòng tránh thai từ buồng tử cung ra ngoài
Bệnh nhân nữ, 49 tuổi vào viện vì đau bụng dưới kéo dài. Qua hỏi bệnh, thăm khám, bác sĩ phát hiện hội chứng và triệu chứng như sau:
- Đau bụng dưới kéo dài.
- Rong kinh (Chu kỳ kinh hiện tại bắt đầu vào 29/05/2024 tới ngày đến khám là 08/06/2024 vẫn chưa sạch kinh)
- Tiền sử bệnh:
- Rong kinh: thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
- U xơ tử cung: xuất hiện khối u xơ ở tử cung – cơ quan cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển cũng như tham gia mật thiết trong quá trình hành kinh.
- Lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung: tế bào cơ tử cung lại có tính chất giống niêm mạc tử cung (tính chất bong tế bào mỗi khi kỳ kinh đến).
- Quá sản nội mạc tử cung: niêm mạc tử cung phát triển mạnh hơn bình thường.
- Vòng tránh thai (đặt dụng cụ hình chữ T trong buồng tử cung giúp tránh thai hiệu quả): bị đẩy ra 2 lần trước đó. Hiện tại đang đặt vòng lần thứ 3 vào tháng 12/2022.
- Khám phụ khoa: Phát hiện vòng tránh thai bị đẩy ra ngoài phía cổ tử cung.
- Siêu âm: thành trước tử cung có khối kích thước 32,18×27,94mm ăn sâu vào buồng tử cung.
Chẩn đoán: Rong kinh – vòng tránh thai bị đẩy lần 3 – u xơ tử cung.
Với ca bệnh này, việc điều trị rong kinh là vô cùng quan trọng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Kế hoạch điều trị rong kinh cho bệnh nhân
Ở bệnh nhân này, bác sĩ cần phải điều trị rong kinh kèm theo u xơ tử cung. Khối u này vừa giải thích nguyên nhân rong kinh vừa giải thích tại sao bệnh nhân đặt vòng thất bại 3 lần.
Do bệnh nhân đã ở gần tuổi mãn kinh (độ tuổi không xảy ra chu kỳ kinh nguyệt) nên bác sĩ sẽ cân nhắc tránh lựa chọn các phương pháp can thiệp liên quan đến phẫu thuật như bóc u xơ hay cắt tử cung. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc nội tiết để điều trị rong kinh.
Khi điều trị, ngoài sử dụng thuốc cải thiện triệu chứng, bác sĩ cũng tiến hành:
- Dặn dò bệnh nhân bắt buộc phải tuân thủ điều trị để tránh rối loạn chu kỳ kinh.
- Khám lại sau khi sạch kinh kỳ tới để điều chỉnh thuốc phù hợp với thể trạng.
- Phân tích ưu nhược điểm của 2 phương pháp uống thuốc, đặt vòng cho bệnh nhân hiểu và lựa chọn.
3. Những điều cần lưu ý khi điều trị rong kinh ở bệnh nhân
Rất may với bệnh nhân này, khi thực hiện điều trị rong kinh bằng thuốc, cơ thể đáp ứng với thuốc nội tiết và đặt vòng nội tiết. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Với bệnh nhân này, hai phương pháp thể hiện rõ ưu và nhược điểm như:
- Uống thuốc nội tiết
Đây là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt. Bệnh nhân là người khó tuân thủ điều trị do công việc bận rộn, dễ quên thuốc. Trường hợp quên thuốc sẽ làm mất tác dụng điều trị, thậm chí làm rối loạn chu kỳ kinh nhiều hơn.
- Đặt vòng nội tiết
Bệnh nhân không phải uống thuốc hàng ngày nên không cần nghiêm ngặt về vấn đề tuân thủ điều trị. Điều này giúp nâng cao hiệu quả tránh thai. Tuy nhiên, phương pháp này lại không phù hợp với bệnh nhân vì khối u xơ dưới niêm mạc sẽ đẩy lồi làm biến dạng đường niêm mạc khiến vòng tránh thai liên tục bị đẩy ra ngoài.
Do mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng nên bác sĩ có trách nhiệm phân tích các hướng điều trị để bệnh nhân đưa ra lựa chọn phù hợp với mình. Cuối cùng bệnh nhân đã chọn điều trị bằng thuốc uống và được bác sĩ tư vấn, chia sẻ các mẹo để tránh quên thuốc.
4. U xơ tử cung dưới niêm mạc là gì?
Tế bào tử cung bao gồm các lớp tế bào như niêm mạc, dưới niêm mạc, cơ, thanh mạc (lớp bên ngoài giúp bảo vệ tử cung). U xơ tử cung dưới niêm mạc là có xuất hiện khối u xơ tại lớp này của tử cung.
Các khối u ở vị trí này sẽ gây ra một số triệu chứng như:
- Máu trong chu kỳ kinh nhiều hơn bình thường.
- Rong kinh.
- Chảy máu vùng kín bất thường.
- Đau bụng dưới kéo dài.
- Tăng nguy cơ sảy thai.
Rong kinh, rong huyết (chảy máu vùng kín không liên quan đến kỳ kinh nhưng kéo dài nhiều ngày) là một bệnh lý phức tạp. Vì vậy, đối với mỗi bệnh nhân khác nhau, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị rong kinh, rong huyết cho từng trường hợp.
Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào cả đáp ứng của người bệnh và kinh nghiệm điều trị của bác sĩ. Vì vậy, nếu có các biểu hiện trên, người bệnh có thể đặt lịch tại đây để được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn và điều trị kịp thời nhé!
[block id=”7225″]