Dấu hiệu rong kinh sau phá thai liệu có nguy hiểm tới sức khỏe cũng như chức năng sinh sản sau này không? Hãy để BSCKII Lê Thị Quyên – Nguyên phó khoa phụ 2, BV Phụ sản Trung Ương giúp bạn giải đáp thắc mắc này nhé.
1. Dấu hiệu rong kinh sau phá thai
Sau khi phá thai, chị em sẽ có thể gặp phải tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài khoảng từ 5 – 10 ngày. Trong những ngày đầu, lượng máu kinh có thể nhiều kèm theo các cục máu đông, tuy nhiên sau đó giảm dần.
Một số trường hợp chị em bị rong kinh sau khi phá thai mặc dù về lượng máu có giảm nhưng kéo dài tới hơn 10 ngày. Bên cạnh việc rong kinh kéo dài thì chị em còn có thể cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao do thiếu máu.
Tuy nhiên, cần lưu ý phân biệt rõ hai dấu hiệu sau phá thai có thể dễ nhầm lẫn là rong kinh và băng huyết. Cả hai đều có tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài nhưng với băng huyết lượng máu sẽ ra số lượng lớn, ồ ạt. Còn dấu hiệu rong kinh sau phá thai thì lượng máu sẽ ít hơn, có xu hướng giảm dần, rỉ rả. Cả hai loại này đều là dấu hiệu nguy hiểm cần được chăm sóc và xử lý càng sớm càng tốt.
2. Vì sao bị rong kinh sau phá thai?
Bị rong kinh sau khi phá thai có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Sót thai, sót nhau thai: sau khi phá thai xong, một phần thai/bánh rau chưa được lấy hết ra khỏi buồng tử cung dẫn đến rong kinh. Biểu hiện thường thấy là rong kinh kèm theo máu đen, có mùi hôi. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần phải được can thiệp sớm.
- Viêm nhiễm tử cung: việc phá thai bằng thuốc có thể chưa đào thải thai ngay khỏi tử cung dẫn tới tăng nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn ở tử cung. Dấu hiệu nhận biết là rong kinh đi kèm với biểu hiện nhiễm trùng như sốt cao, đau bụng dữ dội, máu kinh đen,… Đây cũng là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể phải cắt bỏ tử cung dẫn tới mất khả năng sinh sản.
- Tác dụng phụ của thuốc phá thai: trong thuốc phá thai có nội tiết tố làm tăng tình trạng bong tróc niêm mạc tử cung cùng thai và bánh rau dẫn tới bị rong kinh sau phá thai.
- Do tâm lý: phá thai là một quyết định hệ trọng có thể gây ra căng thẳng tâm lý từ đó làm rối loạn nội tiết tố dẫn tới tình trạng bị rong kinh sau phá thai.
3. Rong kinh sau phá thai có nguy hiểm không?
Trường hợp bị rong kinh sau khi phá thai, chị em cần phải đến ngay các cơ sở y tế uy tín để kịp thời chữa trị, tránh các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng mang thai về sau. Nếu để tình trạng này kéo dài, chị em có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm như:
- Thiếu máu: bị rong kinh sau khi phá thai kéo dài sẽ làm mất máu liên tục dẫn tới tình trạng thiếu máu khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, dễ chóng mặt, da dẻ xanh xao,…
- Viêm phụ khoa: các dấu hiệu rong kinh sau phá thai diễn ra dài ngày cũng làm thay đổi môi trường pH của âm đạo cùng với việc luôn ẩm ướt sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các vi sinh vật gây hại như vi khuẩn, nấm có khả năng phát triển và gây bệnh phụ khoa.
- Vô sinh – hiếm muộn: bị rong kinh sau khi phá thai mà còn sót bánh rau, sót thai hoặc viêm nhiễm cũng đều làm tăng nguy cơ dính tử cung hoặc viêm vòi trứng, buồng trứng, từ đó làm giảm khả năng mang thai của phụ nữ.
4. Cách chữa rong kinh sau khi phá thai
Với các nguyên nhân gây ra dấu hiệu rong kinh sau phá thai và hậu quả của nó, chị em nhất định không được chủ quan mà cần phải đi tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời xử lý. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và chẩn đoán nguyên nhân rong kinh để đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp nhất cho chị em.
- Nếu nguyên nhân do sót thai, sót rau hoặc viêm nhiễm tử cung: bác sĩ có thể định hướng điều trị hút thai để hút hết các phần còn sót, làm sạch và kê kháng sinh điều trị viêm nhiễm nếu có.
- Nếu nguyên nhân do thuốc hoặc tâm lý: bác sĩ sẽ định hướng điều trị nội khoa bằng cách kê các thuốc nội tiết để cân bằng lại nội tiết tố cho bệnh nhân. Sau khi dùng thuốc, vòng kinh sẽ được ổn định trở lại và rong kinh sẽ giảm dần.
5. Lời khuyên từ bác sĩ
Nếu chị em bị rong kinh sau khi phá thai, sẽ cần phải lưu ý những điều sau:
- Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, sắp xếp thời gian hợp lý nghỉ ngơi và thư giãn.
- Giữ vệ sinh vùng kín khô thoáng, thay băng thường xuyên; vệ sinh vùng kín đúng cách, tránh thụt rửa làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều sắt, vitamin B12 hoặc axit folic hoặc tham khảo tư vấn của bác sĩ về thực phẩm chức năng.
- Không sử dụng các chất kích thích hay đồ uống có cồn.
- Sau phá thai chị em cần kiêng quan hệ tình dục tối thiểu 2 tháng để cơ thể được ổn định trở lại.
Nếu chị em gặp phải các dấu hiệu rong kinh sau phá thai mà có nghi ngờ sót thai thì cần đi tới ngay các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được khám và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.
[block id=”6059″]