Âm đạo ra máu có thể gặp ở mọi độ tuổi, gây ra những lo lắng cho người bệnh. Vậy vì sao bị chảy máu âm đạo và điều trị chảy máu âm đạo thế nào? Trong bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về tình trạng này thông qua một ca bệnh cụ thể.
1. Ca bệnh âm đạo ra máu ít không giống kinh
Chị Đỗ Thị T. U. (41 tuổi), đến Phòng khám Chuyên Khoa Siêu âm Sản Phụ khoa vào ngày 03/04/2024 với lý do: Kỳ kinh nguyệt ra máu số lượng rất ít, không giống tính chất máu kinh trong 2 ngày.
Tiền sử: PARA 2002, 2 con sinh thường, 2 lần trước đều bị động thai và phải điều trị giữ thai, kinh nguyệt đều, chu kỳ kinh 28-30 ngày.
Kết quả khám ngày 03/04/2024:
Toàn thân: Mạch, huyết áp ổn định, da niêm mạc hồng hào, không có dấu hiệu thiếu máu.
Thăm khám phụ khoa với mỏ vịt:
- Âm hộ: bình thường
- Âm đạo: có ít huyết nâu
- Cổ tử cung: Lộ tuyến quanh môi
- Tử cung: bình thường
- 2 phần phụ: bình thường
Kết quả siêu âm: Tử cung ngả trước, kích thước 88,21 x 68,23mm. Cấu trúc không đồng âm, xơ hóa, rải rác trong cơ tử cung có tổ chức thưa âm, thành sau eo tử cung có mảng xơ.
Niêm mạc tử cung dày, trong buồng tử cung thấy hình trống âm 6.5mm, chưa điển hình của túi ối.
– Kết quả xét nghiệm betaHCG: 1214 UI/L
⇒ Kết luận: Bệnh nhân đang mang thai, âm đạo ra máu.
2. Kế hoạch điều trị:
- Bệnh nhân đã có tiền sử động thai trong 2 lần thai trước và âm đạo ra máu ít, không biết là có thai vì vậy cần phải điều trị nội tiết giữ thai.
- Hình ảnh trống âm chưa điển hình của túi ối nên cần phải theo dõi chỉ số betaHCG phối hợp với siêu âm thai để khẳng định thai đã vào buồng tử cung hay chưa.
- Tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai, khám lại sau mỗi tuần cho đến khi có tim thai hoặc khi thai phát triển tốt, không còn dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường.
3. Những điều cần lưu ý
3.1. Phân tích về ca bệnh:
Trên thực tế, khi phôi thai đã làm tổ trong buồng tử cung có thể xảy ra hiện tượng âm đạo ra máu. Nhiều người dễ nhầm lẫn chảy máu do thụ thai với chảy máu kinh nguyệt, chính vì thế ta cần để ý màu sắc và lượng máu. Chảy máu do mang thai thường ít, máu có màu nâu và hồng nhạt chứ không phải đỏ sậm hay đỏ tươi.
Vì sao bị chảy máu âm đạo? Như trường hợp bệnh nhân này, bệnh nhân không có chậm kinh, tuy nhiên đến ngày kinh thì số lượng máu ra ít hơn so với bình thường, bệnh nhân đã đi khám và phát hiện có thai. Kết quả điều trị sau 2 tuần, siêu âm đã thấy có hoạt động tim thai.
3.2. 10 dấu hiệu mang thai sớm nhất có thể gặp:
- Chậm kinh: là dấu hiệu mang thai sớm và dễ nhận biết nhất, rất nhiều chị em có thể phát hiện bản thân đang mang thai nhờ tình trạng này.
- Ra máu âm đạo bất thường: Khi trứng được thụ tinh và làm tổ sâu cùng với lớp niêm mạc tử cung dày, có thể sẽ xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo. Trên thực tế, tỉ lệ khoảng 25 – 30% phụ nữ mang thai có tình trạng ra máu trong vài ngày đầu của thai kỳ.
- Thay đổi ở vùng ngực: Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở ở những phụ nữ mới “cấn bầu” đó là những thay đổi ở vùng ngực: sưng, đau; núm vú trở nên sẫm màu hơn và nhô ra; quầng vú trở nên lớn hơn.
- Nôn/buồn nôn: Khoảng 2/3 phụ nữ mang thai có cảm giác buồn nôn và nôn trong ba tháng đầu của thai kỳ. Đây cũng là một trong những dấu hiệu mang thai nhân thấy được rất sớm vào trong 1-2 tuần đầu tiên.
- Thay đổi khẩu vị: Hormone hCG tăng cao lên ở trong suốt thời kỳ đầu khi mang thai sẽ khiến cho phụ nữ mang thai bị kích thích cảm giác thèm ăn tăng lên đối với một số loại thực phẩm, đồng thời cũng không mấy thiện cảm đối với những loại khác.
- Rối loạn vị giác: Nguyên nhân của hiện tượng này từ việc nồng độ estrogen tăng lên đáng kể khi mang thai, ảnh hưởng đến khả năng vị giác của phụ nữ có thai.
- Đầy hơi: Khi nồng độ progesterone tăng lên mạnh mẽ, nó có thể gây ra những thay đổi rất lớn cho cơ thể phụ nữ. Nó khiến cho các cơ tiêu hóa hoạt động kém đi. Do đó, quá trình tiêu hóa cũng sẽ bị chậm lại, gây ra tình trạng bị đầy hơi, ợ hơi.
- Đi tiểu nhiều lần: Nếu như bạn thường xuyên để đi tiểu vào ban đêm, đây cũng có thể là một dấu hiệu có thai sớm, do sự thay đổi của nội tiết tố (hormone hCG) cùng với sự phát triển về kích thước của tử cung đã gây nên áp lực lên bàng quang.
- Vùng kín ẩm ướt: Chất nhầy cổ tử cung, hay còn gọi là dịch tiết, sẽ dày và tăng tiết trong quá trình rụng trứng với mục đích giúp tinh trùng dễ gặp trứng để thụ tinh. Nếu trứng không gặp được tinh trùng, chất nhầy cổ tử cung sẽ khô lại trong vòng 24 giờ sau khi rụng trứng. Nhưng nếu việc thụ thai đã xảy ra, thì chất nhầy cổ tử cung vẫn tiếp tục được sản xuất vào trong nhiều ngày sau đó, khiến phụ nữ có thai có cảm giác ẩm ướt ở khu vực vùng kín.
- Tâm trạng bất thường: Thay đổi tâm trạng khi mang thai là một hiện tượng phổ biến, có nguyên nhân chủ yếu từ sự biến đổi của nội tiết tố, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Cảm xúc của mỗi người mẹ sẽ đáp ứng khác nhau với sự thay đổi này, có người cảm thấy hứng khởi, trong khi người khác có thể trải qua sự tuột cảm xúc, lo lắng và chán nản.
3.3. Thời điểm kiểm tra xem có thai hay không?
Thông thường, nếu thụ thai tự nhiên, biện pháp kiểm tra có thai phổ biến nhất là dùng que thử thai. Đây là phương pháp giúp phát hiện được hormone hCG được tiết ra ở trong thai kỳ. Hormone này sẽ được đào thải thông qua nước tiểu. Vì thế, que thử có thể phát hiện được sự có mặt của hCG và cho biết chị em có đang mang thai hay không. Chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng que thử thai vào buổi sáng sẽ chính xác nhất vì đây là thời điểm mà nước tiểu chứa nồng độ hCG cao nhất trong ngày.
Nếu tính ngày quan hệ tình dục chính xác vào khi trứng rụng thì có thể thử thai bằng que thử sau 2 tuần là thích hợp nhất. Sớm hơn thì có thể chưa chắc chắn đã có kết quả dương tính. Với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều thì có thể thử thai ngay khi có dấu hiệu chậm kinh.
Đa số các phương pháp thử thai sẽ cho kết quả tương đối chính xác nếu dùng đúng cách. Sẽ có trường hợp que thử thai hiện lên vạch mờ. Điều này có thể là bình thường vì thời kỳ đầu của thai kỳ nồng độ hCG còn thấp và thai chưa ổn định. Bất kỳ khi nào xuất hiện tình trạng âm đạo ra máu thì ngay lập tức cần đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.
3.4. Điều trị chảy máu âm đạo
Tùy thuộc vào nguyên nhân âm đạo ra máu bất thường mà các bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh hướng xử lý phù hợp. Chẳng hạn như trường hợp âm đạo bị ra máu do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc mắc bệnh lý phụ khoa khác như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,… bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc chỉ định can thiệp phẫu thuật để điều trị tình trạng này.
Trường hợp chảy máu do các tác dụng phụ từ những phương pháp tránh thai đang sử dụng, bác sĩ sẽ tư vấn chị em sử dụng phương pháp tránh thai khác. Bệnh nhân ra máu trong thai kỳ sẽ được theo dõi liên tục và chỉ định dùng thuốc nội tiết giữ thai nếu cần.
4. Lời dặn từ bác sĩ
Mỗi người phụ nữ đều có những dấu hiệu báo có thai khác nhau hoặc thậm chí các triệu chứng cũng khác nhau giữa các lần mang bầu của cùng một thai phụ. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín.
Ngoài ra thai phụ trong thời gian mang thai cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn, tư vấn từ bác sĩ có chuyên. Trong thời gian mang thai, nên hạn chế quan hệ tình dục, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
[block id=”5776″]