Trễ kinh có thể là một biểu hiện bất thường ở nữ giới. Nắm được các nguyên nhân chậm kinh sẽ giúp chị em điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý hơn, kịp thời thăm khám với bác sĩ để được tư vấn và điều trị hiệu quả.
1. Chậm kinh là gì?
Chậm kinh là biểu hiện sự bất thường của chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Biểu hiện trễ kinh là khi không xuất hiện kinh nguyệt mặc dù đã đến kỳ hành kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo, thường là từ 28 – 30 ngày. Độ dài một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trong khoảng 3 đến 7 ngày. Thông thường, nếu quá 35 ngày tính từ thời điểm hành kinh mà vẫn chưa có kinh nguyệt lại sẽ được gọi là kinh nguyệt bị chậm.
Tình trạng chậm kinh nguyệt rất phổ biến đối với đa số chị em, tuy nhiên hiểu rõ được nguyên nhân chậm kinh có thể giúp chị em đỡ lo lắng cũng như kịp thời thăm khám và điều trị được hiệu quả.
2. Nguyên nhân chậm kinh
Kinh nguyệt phản ánh tình trạng sức khỏe, lối sống sinh hoạt và tinh thần của phụ nữ. Do đó, những vấn đề về kinh nguyệt đều nói lên tình trạng sức khỏe cơ quan sinh sản cũng như cơ thể của chị em.
Có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng trễ kinh đó là liên quan đến lối sống sinh hoạt hoặc nguyên nhân về bệnh lý – sinh lý cơ thể. Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan tìm hiểu kĩ hơn về các nguyên nhân chậm kinh.
2.1. Lối sống sinh hoạt
2.1.1. Giảm cân quá mức
Đa số chị em phụ nữ thường muốn hướng tới chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) dưới 19. Nhưng nếu quá trình giảm cân diễn ra quá nhanh và đột ngột, cơ thể chưa kịp điều chỉnh sinh lý và tình trạng trễ kinh có thể xảy ra.
Bởi vì, trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể cần sản xuất đủ estrogen để xây dựng niêm mạc tử cung. Việc giảm cân quá mức và giảm calo có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, cơ thể không sản xuất đủ estrogen cần thiết cho kỳ kinh nguyệt dẫn đến hiện tượng trễ kinh.
2.1.2. Tăng cân đột ngột
Việc tăng cân quá nhanh chóng và đột ngột cũng là một trong những nguyên nhân chậm kinh ở phụ nữ. Cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen trong thời gian ngắn, lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức và sinh lý có thể không ổn định.
2.1.3. Vận động quá sức
Theo các chuyên gia y tế, tập thể dục điều độ góp phần ổn định chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, tập với cường độ quá nặng có thể là nguyên nhân chậm kinh. Nếu cơ thể vận động quá sức mà không bổ sung đầy đủ lượng calo cần thiết, lượng estrogen sẽ không được sản xuất đủ để duy trì chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể điều chỉnh lại chế độ ăn uống và tập thể dục vừa sức để cơ thể bạn vừa khỏe mạnh, vừa đến kỳ đúng ngày.
2.1.4. Căng thẳng, stress
Căng thẳng hay stress có thể sản sinh ra rất nhiều hormone ảnh hưởng đến sinh lý cơ thể như adrenaline và cortisol. Các hormone này tác động đến vùng dưới đồi, liên quan đến quá trình tạo ra estrogen trong kỳ kinh nguyệt. Đây là một nguyên nhân chậm kinh ở chị em phụ nữ.
2.2. Nguyên nhân bệnh lý – sinh lý cơ thể
2.2.1. Dấu hiệu mang thai
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trễ kinh là mang thai. Trong một chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh. Nếu trứng và tinh trùng không gặp nhau, quá trình thụ thai sẽ không diễn ra, lớp niêm mạc tử cung cũng sẽ bị loại bỏ, hành kinh sẽ diễn ra. Như vậy, kinh nguyệt sẽ diễn ra đều đặn tức là người phụ nữ không có thai.
Ngược lại, trong trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ bên trong tử cung, lớp niêm mạc tử cung sẽ không bong ra. Lớp niêm mạc sẽ được nuôi dưỡng để làm tổ cho quá trình phát triển của thai nhi. Do đó, trong quá trình mang thai, phụ nữ thường sẽ không xuất hiện kinh nguyệt.
Như vậy, hiện tượng chậm kinh là dấu hiệu của việc có thai. Tuy nhiên, để chắc chắn nguyên nhân có phải do mang thai hay không, hãy sử dụng que thử thai để có kết quả chính xác.
2.2.2. Chậm kinh do tác dụng phụ của thuốc
Nếu bạn đang sử dụng một trong các loại thuốc như, thuốc chống trầm cảm, thuốc nội tiết tố, thuốc chống loạn thần, thuốc tránh thai, thuốc kháng viêm corticoid và thuốc hóa trị,… đều có thể gây hiện tượng chậm kinh.
2.2.3. Mãn kinh sớm
Tiền mãn kinh thường sẽ rơi vào khoảng sau 42 tuổi. Đây là lúc cơ thể sản sinh ít estrogen hơn, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở người phụ nữ. Mãn kinh sớm là khi các chị em bắt đầu ngừng hiện tượng kinh nguyệt ở độ tuổi trước 40.
2.2.4. Các bệnh lý phụ khoa
Một số bệnh phụ khoa cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng trễ kinh như u xơ tử cung, suy buồng trứng viêm lộ tuyến tử cung, viêm buồng trứng,…
Chị em cần chú ý quan sát, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, bất cứ những biểu hiện bất thường như: Máu kinh bị vón cục, có mùi khó chịu hay có màu sắc lạ,… đều là những dấu hiệu đáng lưu ý.
Đồng thời, cũng nên theo dõi những dấu hiệu liên quan khác như: đau bụng dưới âm ỉ, dịch tiết âm đạo có màu bất thường, hoặc có mùi hôi,… Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, hãy trao đổi ngay với bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
2.2.5. Buồng trứng đa nang
Hiện tượng trễ kinh có thể bắt nguồn từ bệnh lý buồng trứng đa nang. Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ là nguyên nhân của căn bệnh này. Buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ dẫn tới quá trình rụng trứng diễn ra cũng khó khăn hơn. Hội chứng buồng trứng đa nang này ảnh hưởng đến hormone giải phóng nang trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Kinh nguyệt không đều do bệnh lý buồng trứng đa nang nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể mất cân bằng hormone, ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các bệnh nội tiết khác như: đái tháo đường, bệnh tim mạch và rối loạn sinh sản.
2.2.6. Nguyên nhân chậm kinh do bệnh lý về tuyến giáp
Tuyến giáp là cơ quan kiểm soát hormone, điều hòa quá trình trao đổi chất để đảm bảo sinh lý cơ thể diễn ra cân bằng. Khi tuyến giáp hoạt động kém (như suy giáp, nhược giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) đều có khả năng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
2.2.7. Rối loạn nội tiết
Theo sinh lý của cơ thể, nội tiết cân bằng thì kinh nguyệt sẽ diễn ra đều đặn. Khi có bất thường, vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng hoạt động sai lệch, nội tiết tố sẽ bị mất cân bằng, dẫn đến chậm kinh.
3. Dấu hiệu nhận biết chậm kinh
Dấu hiệu để nhận biết chậm kinh là không thấy kinh nguyệt xuất hiện đúng theo chu kỳ bình thường. Ngoài ra, tùy thuộc vào các nguyên nhân chậm kinh mà các bạn có thể gặp những triệu chứng khác nhau, có thể là:
- Đau đầu.
- Đau vùng xương chậu.
- Mụn trứng cá.
- Rụng tóc.
- Rậm lông, nhất là ở mặt.
4. Chậm kinh có nguy hiểm không?
Ở độ tuổi dậy thì hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh, tình trạng chậm kinh khá phổ biến.
Kinh nguyệt đến chậm có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nguyên nhân chậm kinh đã phân tích ở trên bài. Chậm kinh chỉ nguy hiểm khi đó là biểu hiện của một bệnh lý, như hội chứng buồng trứng đa nang hoặc rối loạn tuyến giáp… Khi đó, tỷ lệ dẫn tới nguy cơ vô sinh hiếm muộn là rất cao.
Với tình trạng này, bạn cần tới Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa để được thăm khám kịp thời và điều trị hiệu quả, tận tâm.
5. Cách điều trị chậm kinh
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Trong một số trường hợp đơn giản, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp hormone để điều hòa lại chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu trễ kinh do các bệnh lý như tuyến giáp, bạn có thể sẽ được điều trị nội khoa. Nếu có khối u hoặc có tình trạng tắc nghẽn có thể tiến hành phẫu thuật để loại trừ, cắt bỏ.
Các chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị hợp lý. Không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc phương pháp điều trị dân gian nào vì có thể làm nặng thêm tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
6. Lời khuyên từ bác sĩ
Nếu nguyên nhân chậm kinh là do mang thai, hãy sử dụng que thử thai để có được đáp án chính xác. Nếu không phải do mang thai, bạn hãy đến Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa để được tư vấn, chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị hợp lý.
Tùy từng nguyên nhân mà mỗi bệnh nhân có cách điều trị khác nhau, uống thuốc hoặc chỉ cần thực hiện một lối sống lành mạnh. Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là tiền đề cho người phụ nữ duy trì sức khỏe sinh sản ổn định. Bạn cần lưu ý những điều sau để có một chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, với lượng calo tiêu thụ phù hợp với lượng calo mất đi hàng ngày.
- Hạn chế các thực phẩm có hại cho sức khỏe như: thức uống có cồn, caffeine, thức ăn nhanh hoặc đồ ngọt.
- Nên tập thể dục thường xuyên, vừa phải, điều độ, phù hợp với thể trạng của cá nhân.
- Giữ cân nặng ổn định là cách để người phụ nữ duy trì vẻ đẹp cũng như sức khỏe.
- Ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng, ngủ trước 11 giờ đêm, không nên thay đổi lịch sinh hoạt khiến hoạt động sinh lý của cơ thể không ổn định.
- Giữ tâm lý thoải mái, tinh thần thư giãn, không nên lo âu, căng thẳng quá mức.
Chậm kinh là một vấn đề mà các chị em trong cuộc sống hằng ngày đều có thể gặp. Hiểu về nguyên nhân chậm kinh và cách khắc phục để các chị em có thể hạn chế các tình trạng trễ kinh và điều trị hợp lý. Chị em nên thay đổi những thói quen không tốt, có lối sống và chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Đồng thời, khám phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý và có hướng điều trị hợp lý .
[block id=”5776″]