Hiện tượng ra máu sau mãn kinh là tình trạng bất thường gặp ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Nó có thể báo hiệu cho một bệnh lý ác tính ở cơ quan sinh dục nhưng cũng có thể là những tổn thương lành tính, tuy nhiên chúng gây lo lắng cho người bệnh. Vậy cùng tìm hiểu về “kinh nguyệt trở lại sau mãn kinh” với BSCKII sản phụ khoa Đỗ Thị Ngọc Lan.
1. Thông tin ca bệnh
Bệnh nhân nữ, 59 tuổi đã mãn kinh 2 năm, trước đó chưa từng sàng lọc ung thư cổ tử cung và virus HPV. Ngày 08/01/2022, bệnh nhân đến thăm khám tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa – BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan với hiện tượng ra máu sau mãn kinh cách 1 tuần, tính chất ra máu nhiều như hành kinh, tại thời điểm thăm khám đã hết ra máu. Qua thăm khám lâm sàng cho thấy:
- Âm hộ: Bình thường.
- Âm đạo: Bình thường.
- Cổ tử cung: phì đại, không có máu
- Tử cung: To, tương đương tử cung có thai 01 tháng, chắc, xơ cứng, di động không đau.
- 2 phần phụ: Bình thường
Hình ảnh trên siêu âm tử cung – buồng trứng qua đầu dò âm đạo cho hình ảnh:
- Niêm mạc tử cung dày 2,7 mm
- -Hình ảnh tử cung xơ hóa (hình ảnh xơ hóa với người lớn tuổi không đáng ngại)
→ Nhận định: BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nghi ngờ bệnh nhân ra máu âm đạo do bệnh lý tăng sản nội mạc tử cung.
→ Chỉ định thêm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh: Để phục vụ cho chẩn đoán và tiên lượng bệnh, BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan đã chỉ định làm tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết mỏng tế bào âm đạo – cổ tử cung và xét nghiệm sự có mặt của virus HPV trong cơ quan sinh dục.
⇒ Kết quả tầm soát chưa phát hiện bất thường. Đề nghị chưa điều trị và tái khám sau 2 tuần để theo dõi sự phát triển của niêm mạc.
Kết quả tái khám sau 2 tuần theo dõi:
- Âm hộ: bình thường.
- Âm đạo: bình thường.
- Cổ tử cung: phì đại.
- Tử cung: to, tương đương tử cung có thai 01 tháng, chắc, xơ cứng, di động không đau.
- 2 phần phụ: bình thường
Hình ảnh trên siêu âm tử cung – buồng trứng qua đầu dò âm đạo cho hình ảnh: niêm mạc tử cung dày 4,2 mm (có xu hướng dày lên)
⇒ BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan chỉ định theo dõi và tái khám sau 01 tháng, không điều trị kèm theo.
Kết quả sau hơn 1 tháng theo dõi:
Bệnh nhân tái khám vào ngày 14/05/2022, bác sĩ tiến hành siêu âm lại tử cung – buồng trứng qua đầu dò âm đạo. Kết quả: niêm mạc tử cung dày 15mm (bất thường khi đã mãn kinh).
→ Kết luận: Tăng sinh niêm mạc tử cung khi đã mãn kinh
⇒ Chỉ định: Soi buồng tử cung sinh thiết và gửi bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh (bệnh nhân đã mãn kinh, có triệu chứng ra máu âm đạo bất thường, trên siêu âm có hình ảnh niêm mạc tử cung dày bất thường cần loại trừ đầu tiên là nguyên nhân ung thư niêm mạc tử cung).
2. Quá trình điều trị
Bệnh nhân được chỉ định soi buồng tử cung sinh thiết và làm giải phẫu bệnh. Kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh: Vùng nội mạc tử cung quá sản lành tính dạng polyp.
Bệnh nhân bị ra máu sau mãn kinh được chỉ định điều trị không cần dùng thuốc, khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ hoặc xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường như: ra máu, ra khí hư có tính chất lạ, đau bụng dưới thì đến khám lại ngay.
- Kết quả sau điều trị:
Sau 2 năm tái khám định kỳ tại Phòng khám Chuyên khoa Siêu âm Sản Phụ khoa – BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, bệnh nhân chưa xuất hiện lại các triệu chứng bất thường.
3. Những điều cần lưu ý:
3.1. Ra máu sau mãn kinh cần làm gì?
Đối với những bệnh nhân xuất hiện hiện tượng ra máu sau mãn kinh, cần phải chú ý những điều sau:
- Ngay lập tức đến khám tại phòng khám sản phụ khoa hoặc bệnh viện có những bác sỹ chuyên môn uy tín để đánh giá triệu chứng. Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin liên quan đến triệu chứng hiện tại, tiền sử sản khoa, tiền sử các bệnh lý kèm theo khác để bác sĩ có thể đưa ra nhận định chung nhất về tình trạng bệnh.
- Bệnh nhân cần sàng lọc các bệnh lý ác tính cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào âm đạo và virus HPV.
- Theo dõi độ dày niêm mạc tử cung bằng siêu âm tử cung – buồng trứng qua đầu dò âm đạo để loại trừ ung thư niêm mạc tử cung (là một bệnh lý ác tính hay gặp ở phụ nữ ở tuổi mãn kinh). Có thể đánh giá thêm bằng MRI (chụp cộng hưởng từ) vùng tiểu khung có tiêm thuốc đối quang từ để đánh về mặt hình ảnh rõ nét, bổ trợ thêm cho siêu âm đầu dò âm đạo.
- Soi buồng tử cung, sinh thiết lấy bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh trong trường hợp niêm mạc tử cung dày lên bất thường ở những phụ nữ đã mãn kinh.
3.2. Những bệnh lý hay gặp nhất ở tuổi mãn kinh khi bị ra máu âm đạo
Một số những bệnh lý hay gặp có hiện tượng ra máu sau mãn kinh như sau:
- Polyp tử cung/ cổ tử cung
Polyp tử cung/ cổ tử cung là những khối u nằm trong buồng tử cung, ống cổ tử cung hoặc cổ tử cung nhưng chúng không phải là các ung thư phụ khoa. Đây là bệnh lý lành tính tuy nhiên, nó gây ra tình trạng ra máu bất thường ở phụ nữ đã mãn kinh.
Trong trường hợp ra máu số lượng nhiều, đau bụng nặng nề hoặc có bệnh lý rối loạn đông máu kèm theo thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Đa phần các vấn đề về polyp tử cung/ cổ tử cung cần được điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) để giải quyết các triệu chứng bất thường.
- Teo nội mạc tử cung hoặc mỏng nội mạc tử cung
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do sự suy giảm nồng độ hormone estrogen trên những phụ nữ đã mãn kinh, dẫn đến nội mạc tử cung bị mỏng/teo dần đi và xảy ra hiện tượng ra máu sau mãn kinh. Tình trạng này thông thường sẽ được xử lý bằng điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc hormone.
- Tăng sinh niêm mạc tử cung
Một số những triệu chứng của mãn kinh như: bốc hỏa, khô, rụng tóc, khô âm đạo sau khi điều trị có thể dẫn đến việc tăng sinh bất thường của lớp niêm mạc tử cung gây nên triệu chứng ra máu sau mãn kinh một cách bất thường. Vấn đề này có thể được điều trị bằng các thuốc điều chỉnh hormone.
- Ung thư phụ khoa
Ung thư phụ khoa ở đây được hiểu là ung thư nội mạc tử cung. Đây là bệnh lý ác tính của phụ khoa, nguyên nhân do sự rối loạn phát triển của các tế bào ác tính ở lớp niêm mạc tử cung, đây cũng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến chảy máu âm đạo trong thời kỳ mãn kinh.
4. Lời khuyên từ bác sĩ khi ra máu sau mãn kinh
Ung thư niêm mạc tử cung (ung thư nội mạc tử cung) là bệnh lý ác tính do có sự xuất hiện của các tế bào bất thường trong niêm mạc tử cung. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “kinh nguyệt trở lại sau mãn kinh”.
Ung thư niêm mạc tử cung là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ mắc ở Việt Nam đang có xu hướng tăng. Theo lời khuyên của BS CKII Đỗ Thị Ngọc Lan, người bệnh nên kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ cùng với làm sàng lọc các bệnh lý ung thư 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần là cách tốt nhất để hạn chế được những căn nguyên dẫn đến các bệnh lý ác tính ở cơ quan sinh dục.
Một số các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để sàng lọc ung thư nội mạc tử cung như:
- Siêu âm tử cung – buồng trứng qua đầu dò âm đạo: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh cơ bản trong sản/phụ khoa nhưng có thể thăm dò rất tốt các bệnh lý như: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, polyp tử cung,… Đây là chỉ định “đầu tay” được bác sĩ thường xuyên thực hiện ở bệnh nhân sau mãn kinh kèm theo có triệu chứng ra máu âm đạo.
- Chụp MRI (Cộng hưởng từ) tiểu khung để có thể đánh giá tốt hơn về mức độ xâm lấn của khối u, chèn ép của khối u lên cơ quan khác, cũng như để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp
- Nội soi buồng tử cung – sinh thiết niêm mạc tử cung làm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để có thể chẩn đoán, xác định ung thư niêm mạc tử cung, đặc biệt là những phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh và có hình ảnh tăng sinh niêm mạc tử cung.
Tăng sinh niêm mạc tử cung thường gặp sẽ ở dạng lành tính. Đây không phải là bệnh lý ung thư, tuy nhiên hiện tượng này cũng có thể dẫn đến ung thư niêm mạc tử cung. Chính vì vậy, việc phát hiện triệu chứng và sàng lọc sớm ung thư niêm mạc tử cung đặc biệt là ở phụ nữ đã mãn kinh là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng ra máu sau mãn kinh, bạn có thể nhắn tin với Zalo phòng khám tại đây để được BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, thăm khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung.