Căn bệnh ung thư cổ tử cung xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy làm sao để nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung? Hãy cùng BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Hiểu rõ về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung xuất hiện do các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường. Các tế bào này phát triển và tạo ra khối u trong thành cổ tử cung.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm sẽ ghi nhận hơn 500.000 ca mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Đặc biệt là hơn 250.000 phụ nữ phải tử vong do căn bệnh này gây ra. Chính vì thế, WHO kêu gọi nên phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung để giảm thiểu số lượng ca mắc ung thư cổ tử cung.
Hằng năm, Việt Nam có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do căn bệnh này gây nên. Xu hướng trẻ hoá căn bệnh này càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong tất cả các bệnh ung thư, ung thư cổ tử cung được cho là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả, thậm chí là chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, căn bệnh này diễn biến rất âm thầm và khó phát hiện được. Vì thế, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cụ thể như sau:
- Suy thận: khi bệnh tiến triển, các khối u ở cổ tử cung dần phát triển, chúng có thể to dần lên và chen lấn những bộ phận khác trong cơ thể. Đặc biệt, việc chèn ép phía niệu quản sẽ gây tích tụ nước tiểu và dẫn đến suy thận.
- Vô sinh: khả năng sinh sản của chị em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu các khối u xuất hiện ở cổ tử cung. Trong vài trường hợp đặc biệt, có thể người bệnh sẽ phải đi phẫu thuật để cắt bỏ tử cung và buồng trứng.
2. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung
Đa số các trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân, đó chính là nhiễm virus HPV. Có khoảng 16 chủng HPV được cho là nằm trong nhóm nguy cơ cao gây ra bệnh này. Trong đó, chủng 16 và 18 chiếm 70% nguyên nhân ung thư cổ tử cung.
Sự biến đổi tế bào của các chủng HPV có thể mất từ 5 – 10 năm. Do đó, rất khó để nhận biết các dấu hiệu ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu. Để phát hiện sớm căn bệnh này, chị em phụ nữ cần thăm khám và tầm soát định kỳ.
Một số nguyên nhân và các thói quen sinh hoạt làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung như:
- Có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm và không an toàn đều là những nguyên nhân cao mắc bệnh ung thư cổ tử cung
- Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với những phụ nữ khác
- Không vệ sinh vùng kín sạch sẽ
- Người bị suy giảm miễn dịch sẽ giảm khả năng chống chọi với virus HPV
3. Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu thường khó xác định rõ. Nếu bệnh được phát hiện càng trễ, khả năng sinh con cũng như tỷ lệ chữa khỏi càng thấp. Chính vì thế, chị em phụ nữ cần nắm rõ các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sau đây:
3.1. Âm đạo chảy máu bất thường
Chảy máu âm đạo là dấu hiệu ung thư cổ tử cung điển hình. Nguyên nhân chính do các khối u bắt đầu phát triển và gây nên tình trạng xâm lấn các mô lân cận. Điều này gây nên tình trạng vỡ hoặc chảy máu âm đạo.
Thông thường, dấu hiệu này thường xảy ra sau khi quan hệ tình dục, kỳ mãn kinh hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt. Tùy vào thể trạng của mỗi người, mức độ chảy máu sẽ khác nhau.
3.2. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Nếu mắc bệnh ung thư cổ tử cung, chu kỳ kinh nguyệt của người bệnh tất nhiên cũng sẽ bị rối loạn. Một số dấu hiệu kèm theo như: rong kinh, chậm kinh, chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường,… Đa phần nguyên nhân chính của triệu chứng này là chịu sự tác động của bệnh lý, mất cân bằng hormone trong cơ thể của người bệnh.
3.3. Đau, chảy máu khi quan hệ tình dục
Dấu hiệu đau khi quan hệ tình dục cũng là một tình trạng đáng báo động giúp nhận biết ung thư cổ tử cung. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tuy nhiên, đa phần là do tổn thương đường sinh dục của người bệnh. Vì vậy, bạn cần thăm khám sớm để xác định và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Trong ung thư cổ tử cung, tổ chức cổ tử cung không còn đàn hồi, dễ tổn thương, chảy máu khi có tác động từ bên ngoài.
3.4. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi
Người bệnh sẽ thường xuyên lờ đờ uể oải và chán ăn khi mắc ung thư cổ tử cung. Các khối u ở cổ tử cung bắt đầu phình to khiến cho lượng tế bào máu giảm đi. Tình trạng này dẫn đến thiếu máu và suy giảm miễn dịch ở người bệnh. Vì thế, người bệnh thường xuyên cảm thấy chán ăn, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
3.5. Đau ở vùng lưng dưới
Nếu đang mắc các tình trạng đau ở lưng dưới, đặc biệt là vùng xương chậu, bạn hãy cẩn thận với ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân chính là do sự phát triển của các khối u trong cổ tử cung, xâm lấn ra các cơ quan khác trong vùng chậu , gây chèn ép đến quá trình cung cấp oxy cho tế bào.
Do đó, nếu xuất hiện các cơ đau kèm theo âm ỉ suốt ngày ở vùng xương chậu, bạn nên cân nhắc thăm khám ở các cơ sở y tế uy tín để phát hiện bệnh sớm.
3.6. Dịch âm đạo có sự bất thường
Dịch âm đạo ở người bình thường sẽ có màu trắng trong như màu trắng trứng, không mùi và không gây ngứa. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh ung thư cổ tử cung, dịch âm đạo thường sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường, đặc biệt là có mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, màu sắc của dịch tiết ra cũng sẽ có màu trắng đục khác thường, đôi lúc lẫn theo màu hồng của máu,…
3.7. Đau rát khi tiểu tiện
Châm chích, đau rát, gắt buốt khi đi tiểu tiện cũng là một trong những dấu hiệu ung thư cổ tử cung đáng chú ý. Trung bình trong một ngày, nếu tần suất đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là nước tiểu có màu và có mùi hôi bất thường, bạn cần thăm khám sớm nhất để chẩn đoán đúng tình trạng bệnh.
Nếu đúng là ung thư cổ tử cung, dấu hiệu đau rát khi tiểu tiện sẽ rất nguy hiểm. Bởi các tế bào ung thư đã bắt đầu lớn dần và lan ra các bộ phận khác, ngoài vòng cổ tử cung.
3.8. Đi tiểu không kiểm soát
Các khối u ở tử cung sẽ chèn ép và ảnh hưởng đến chức năng lưu thông của đường ruột cũng như đường tiết niệu. Điều này làm thay đổi thói quen tiểu tiện của người bệnh. Người bệnh có thể phải chống chọi với tình trạng đi tiểu không kiểm soát và dòng nước tiểu rất yếu.
3.9. Sưng và đau chân
Khối u của ung thư cổ tử cung bắt đầu lớn dần và lan rộng sẽ gây chèn ép các dây thần kinh và mạch máu vùng chậu và đùi. Điều này làm xuất hiện tình trạng giảm lượng máu không dẫn đến được chi dưới. Thông thường, người bệnh sẽ có tình trạng đau chi dưới liên tục và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
3.10. Giảm cân nhanh và bất thường
Ngoài các dấu hiệu ung thư cổ tử cung đã kể đến ở trên, tình trạng cơ thể bị giảm cân bất thường cũng cần chú ý đến. Đây chính là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng ung thư cổ tử cung, có thể do gặp các vấn đề tiêu hoá hoặc rối loạn cơ thể.
Tùy vào thể trạng của bệnh nhân và mức độ xâm lấn mà tình trạng ung thư cổ tử cung có thể kéo dài âm ỉ từ 10 – 20 năm. Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ rất khó phát hiện căn bệnh này. Do đó mà chị em phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35 – 44 tuổi nên lưu ý tầm soát sớm ung thư hoặc phòng ngừa ung thư cổ tử cung để ngăn ngừa căn bệnh quái ác này.
4. Cách để phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Chủ động tiêm vacxin phòng virus HPV chính là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung đơn giản nhất. Các loại vacxin HPV đều giúp ngăn ngừa cả hai chủng nhiễm HPV-16 và HPV-18. Ngoài ra, loại vacxin này còn có khả năng hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý ung thư ở những cơ quan sinh dục khác như: dương vật, âm đạo, hậu môn, âm hộ,…
Ngoài ra, để phòng ngừa tốt nhất căn bệnh ung thư cổ tử cung, chị em cần đặc biệt lưu ý:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau khi quan hệ tình dục và trong chu kỳ kinh nguyệt
- Không quan hệ tình dục sớm khi cơ thể còn chưa phát triển hoàn thiện
- Không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để ngăn ngừa virus HPV phát triển
- Thường xuyên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi có triệu chứng bất thường
5. Lời khuyên từ bác sĩ
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Chị em hãy thường xuyên thăm khám định kỳ và lắng nghe cơ thể để tránh khả năng mắc phải căn bệnh này. Dưới đây là một số lưu ý có thể giúp bạn tránh xa căn bệnh này:
5.1. Chủ động tiêm phòng HPV
Chính vì mức độ nguy hiểm của căn bệnh ung thư cổ tử cung này, các bậc phụ huynh đang có con ở độ tuổi vị thành niên nên cân nhắc cho bé tiêm phòng HPV sớm để bảo vệ cơ thể.
Khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về việc sử dụng vacxin phòng ngừa HPV như sau:
- Bé gái và bé trai trong độ tuổi 9 – 12 nên tiêm đủ 2 liều vacxin để phòng ngừa HPV
- Thanh thiếu niên và thanh niên từ 13 – 26 tuổi nên tiêm vacxin HPV càng sớm càng tốt để phòng ngừa ung thư cổ tử cung
5.2. Tầm soát định kỳ
Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là một trong những việc cần ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn. Tầm soát để phát hiện ung thư sớm từ giai đoạn khởi điểm giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ chữa trị bệnh thành công và ngăn ngừa khối u di căn.
Theo đó, độ tuổi khuyến nghị nên thường xuyên đi tầm soát ung thư cổ tử cung là phụ nữ từ 30 tới 65 tuổi. Sau 65 tuổi, các kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nếu không ghi nhận bất kỳ vấn đề nào bất thường, có thể ngưng sàng lọc.
5.3. Sinh hoạt lành mạnh
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh, kèm theo đó là ăn uống khoa học với nhiều nhóm thức ăn chứa chất oxy hoá, có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư cổ tử cung. Đặc biệt, các nhóm chất dinh dưỡng như: vitamin D, folate,… có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung.
[block id=”6059″]