Nhiều chị em thắc mắc máu kinh ra nhiều có nguy hiểm không? Trong bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về tình trạng này thông qua một ca bệnh cụ thể. Cùng tìm hiểu với BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan nhé!
1. Ca bệnh máu kinh ra nhiều ồ ạt
1.1. Thông tin ca bệnh
Chị Nguyễn Thuý H (40 tuổi), đến Phòng khám Chuyên Khoa Siêu âm Sản Phụ khoa – BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan vào ngày 22/02/2024 với lý do: Máu kinh ra nhiều, ồ ạt khám lại sau đặt thuốc điều trị nấm tự mua.
Tiền sử: Nấm tái phát nhiều đợt. Trước đây kinh nguyệt số lượng vừa phải, 5-6 tháng nay kinh ra số lượng rất nhiều.
1.2. Kết quả khám và siêu âm
1.2.1. Kết quả thăm khám
Toàn thân: Mạch, huyết áp ổn định, da niêm mạc hồng hào, không có dấu hiệu thiếu máu.
Thăm khám phụ khoa với mỏ vịt:
- Âm hộ: bình thường
- Âm đạo: có ít khí hư bột
- Cổ tử cung: có vài nang Naboth
- Tử cung: bình thường
- 2 phần phụ: bình thường
1.2.2. Kết quả hình ảnh siêu âm
Niêm mạc tử cung lổn nhổn, không đều, có tổ chức tăng âm rải rác. Thành trước tử cung có khối tăng âm 17,7 x 11,7mm (nhân xơ nhỏ).
1.3. Kết luận bệnh
Theo dõi quá sản niêm mạc tử cung chưa loại trừ polyp buồng tử cung – Nhân xơ tử cung KT 17,7 x 11,7mm.
2. Kế hoạch điều trị
Với tình trạng máu kinh ra nhiều ồ ạt, chị H đã được BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan hẹn tái khám sau khi sạch kinh nguyệt kỳ này để có thể chẩn đoán xác định và đưa ra được hướng điều trị phù hợp với chị H nhất.
Đặc biệt lưu ý tới nguy cơ thiếu máu của chị H, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt, tim đập nhanh,… nên được khám sàng lọc nguy cơ thiếu máu do mất máu.
Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử nấm nhiều đợt, lần này khám âm đạo thấy khí hư bột, cần được làm thêm xét nghiệm soi tươi khí hư đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn/nhiễm nấm ở chị H.
Điều trị sớm viêm nhiễm cho bệnh nhân, nghi ngờ nhiều căn nguyên gây viêm là do nấm. Bệnh nhân cần đảm bảo các nguyên tắc điều trị nấm để hạn chế được tình trạng tái phát:
- Vệ sinh vùng kín sạch bằng nguồn nước đảm bảo vệ sinh và dung dịch vệ sinh có độ pH trung tính.
- Điều trị cho cả vợ và chồng.
- Sử dụng thuốc (đường đặt âm đạo/đường uống) đúng liều, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khác mà không có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
3. Những điều cần lưu ý
Bàn luận về ca bệnh: Ở chị H tồn tại 2 vấn đề chính, bao gồm nhiễm nấm âm đạo tái phát và hiện tượng máu kinh ra nhiều. Chị H đã được BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan chỉ định tiếp tục điều trị nấm âm đạo, đồng thời tái khám sau khi sạch kinh.
4. Nguyên nhân nấm âm đạo tái phát
Tình trạng viêm âm đạo tái phát do căn nguyên nấm rất phổ biến ở các chị em. Chúng gây ra nỗi khó chịu lớn cho người bệnh.
Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng nhiễm nấm tái phát gây viêm nhiễm như:
- Vệ sinh vùng kín chưa tốt, còn sử dụng nguồn nước vệ sinh bị ô nhiễm.
- Sử dụng dung dịch vệ sinh có pH acid gây ra sự ẩm ướt, tăng nguy cơ nhiễm nấm hơn.
- Tự mua thuốc không rõ loại để điều trị.
- Sử dụng thuốc điều trị chưa đủ liều, chưa đủ thời gian sử dụng.
- Không điều trị cho chồng, bạn tình.
5. Máu kinh ra nhiều có nguy hiểm không?
Hình ảnh siêu âm của chị H tại phòng khám Chuyên Khoa Siêu âm Sản Phụ khoa – BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan thấy niêm mạc rất dày và tăng âm lổn nhổn.
Bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân tuân thủ lời dặn tái khám đúng hẹn là ngay sau khi sạch kinh phải khám lại để chẩn đoán chính xác hơn, từ đó mới có hướng xử trí phù hợp. Máu kinh ra nhiều, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu mạn tính, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống của người bệnh.
- Tại sao siêu âm lại ngay sau sạch kinh có thể chẩn đoán được bệnh lý cho bệnh nhân? Hình ảnh siêu âm tử cung sau sạch kinh nếu là quá sản niêm mạc tử cung thì sau sạch kinh siêu âm đường niêm mạc thường sẽ mỏng và không còn hình ảnh tăng âm lổn nhổn.
- Việc máu kinh ra nhiều có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng nếu như không được chẩn đoán và xử trí đúng. Trường hợp chị H vẫn chưa có tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên, chị H cần được theo dõi định kỳ để tránh có những nguy hiểm do hiện tượng máu kinh ra nhiều.
- Các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt và sự biến đổi của niêm mạc tử cung: Chu kỳ kinh nguyệt bình thường trung bình kéo dài từ 28 đến 35 ngày và xảy ra theo các giai đoạn: giai đoạn hình thành nang noãn, giai đoạn rụng trứng (rụng trứng) và giai đoạn hoàng thể.
- Xung quanh thời kỳ phóng noãn, sự thay đổi của các hormone FSH, LH, estrogen, progesterone đã kích thích trứng (noãn) rụng. Quanh thời gian này, cũng chịu sự thay đổi của các hormone nên nội mạc tử cung dày lên một cách nhanh chóng và tiết dịch.
- Các tuyến trong tử cung dài ra, cong queo và chứa đầy dịch tiết. Các mạch máu cũng rất phát triển và xoắn lại để cung cấp máu cho niêm mạc tử cung phát triển.
- Sau khi phóng noãn, niêm mạc tử cung sẽ dày lên, kích thước khoảng 6-8 mm và tiếp tục tăng thêm cho đến khi hành kinh, kích thước đo được tương đương 8-12 mm. Sự tăng lên này làm cho niêm mạc tử cung chứa đầy chất dinh dưỡng để cung cấp cho trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển vào làm tổ buồng tử cung.
- Kỳ kinh nguyệt xảy ra khi nang trứng rụng nhưng không xảy ra sự thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung không có sự làm tổ của phôi thai sẽ bong ra hình thành máu kinh nguyệt. Sau hành kinh, niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra gần hết, chỉ còn lại một lớp mỏng ở mô đệm cùng một ít tế bào biểu mô ở đáy của các tuyến.
- Trong thời gian này, hình ảnh trên siêu âm tử cung – buồng trứng sẽ là một dải mỏng, không tăng sinh. Nếu là polyp trong buồng tử cung thì sau hành kinh tổ chức tăng âm vẫn còn, đường niêm mạc quan sát trên siêu âm không mỏng đi.
- Sau đó, các thành phần này sẽ lại được tăng sinh nhanh chóng dưới tác dụng của hormone Estrogen và được biểu mô hóa lại trong 4 – 7 ngày. Niêm mạc tử cung cũng sẽ lại dày dần lên, các tuyến bắt đầu dài ra cùng với sự phát triển của mạch máu.
- Ở cuối giai đoạn này, niêm mạc tử cung sẽ dày thêm khoảng từ 3 – 4mm. Các tuyến của cổ tử cung sẽ bài tiết một lớp chất nhầy tạo thành kênh dẫn tinh trùng di chuyển vào cổ tử cung.
6. Lời dặn từ bác sĩ
Khi có các biểu hiện bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt như rong kinh, cường kinh, ra máu ngoài kỳ kinh hay số lượng kinh nguyệt giảm đáng kể thì cần đến những cơ sở phòng khám ngay để được kiểm tra.
Ngoài ra việc tự điều trị viêm nhiễm âm đạo tại nhà bằng cách tự mua thuốc đặt là điều không nên, viêm do nhiều nguyên nhân và mỗi nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Tự ý điều trị sẽ gây nên tình trạng “lờn thuốc”, rất dễ tái phát và nếu tái phát thì điều trị rất khó khăn.
Nếu còn thắc mắc có thể liên hệ qua zalo với phòng khám để được giải đáp. Để đặt lịch khám sản phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung tại phòng khám của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Lan, người bệnh có thể liên hệ qua hotline 0868 555 168 hoặc qua website. Ngoài ra, chị em có thể tham gia vào group Facebook, Zalo để hỏi đáp những vấn đề liên quan đến sản phụ khoa.